Tình trạng thiếu nhân công ngày càng trầm trọng đang đe dọa hoạt động kinh doanh của chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Nhật khi họ không thể tìm đâu ra đội ngũ nhân viên chuyên sắp xếp hộp cơm bento, giao hàng và tính tiền.
Nhiều chủ cửa hàng đã phải làm cả ngày, cả đêm vì không tìm được nhân viên bán thời gian. “Tình hình này đang là mối nguy với sức khỏe của tôi”, Reuters dẫn lời một chủ cửa hàng cho biết.
7-Eleven là một trong ba "ông lớn" sở hữu số lượng cửa hàng tiện lợi nhiều nhất Nhật Bản.
Khủng hoảng lao động tại Nhật Bản bắt đầu xuất hiện từ năm ngoái và được các chuyên gia dự đoán sẽ kéo dài trong nhiều năm tiếp theo.
Quốc gia này có khoảng 55.000 cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc, trung bình mỗi cửa hàng sẽ phục vụ 2.300 người và cần 20 nhân viên bán thời gian.
Tuy nhiên những năm gần đây, dân số Nhật bước vào giai đoạn già hóa, nguồn cung lao động cho các ngành dịch vụ như kinh doanh nhà hàng, đồ uống, chuyển phát nhanh, bán lẻ… trở nên khan hiếm nghiêm trọng.
Từ con số 87,2 triệu lao động năm 1995, sau 20 lực lượng lao động tại Nhật Bản giảm xuống còn 77,2 triệu và được dự đoán sẽ giảm tiếp đến 45,2 triệu vào năm 2065.
Để giải quyết bài toán khủng hoảng nhân lực, nhiều chuỗi nhà hàng lớn như Royal Host và McDonald's Japan đã ngừng phục vụ 24/7. Một số cửa hàng nhỏ thì chuyển sang thuê thêm sinh viên nước ngoài.
Đối với các “đại gia” trong ngành kinh doanh cửa hàng tiện lợi như 7-Eleven, FamilyMart và Lawson, biện pháp hữu hiệu là tăng áp dụng công nghệ trong việc cung cấp dịch vụ.
7-Eleven đang tính đến việc sử dụng máy rửa bát tại tất cả 14.923 cửa hàng, còn Lawson đang nghiên cứu phát triển hệ thống máy tính tự động trả tiền thừa cho khách.
“Chúng tôi muốn biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội để thay đổi mô hình quản lý và thu hút nhiều khách hàng mới”, Ryuichi Isaka, chủ tịch Seven & i Holdings, đơn vị sở hữu 7-Eleven cho biết.
Theo Hồng Lam
Trí thức trẻ
No comments:
Post a Comment