Wednesday, April 26, 2017

Các hãng bán lẻ Mỹ đua nhau phá sản


Theo S&P Global, số hãng bán lẻ phá sản tại Mỹ trong 3 tháng qua còn nhiều hơn cả năm 2016, nguyên nhân chủ yếu từ sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử. Có rất ít phân khúc tránh được tình trạng này như các cửa hàng bán giầy giảm giá, đồ dùng ngoài trời và thiết bị điện tử... Tuy nhiên, ngay cả những khu vực này cũng đang chứng kiến xu hướng phải tái cơ cấu.

cac-hang-ban-le-my-dua-nhau-pha-san

Hôm 4/4, hãng bán lẻ Payless tuyên bố phá sản và sẽ dừng hoạt động 400 cửa hàng.

Hiện tại, các hãng bán lẻ Mỹ đang dừng hoạt động các cửa hàng rất nhanh để loại bỏ không gian thừa và tập trung nhiều hơn vào mảng kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định khó khăn tài chính sẽ khiến các doanh nghiệp này khó thích ứng được trước sức ép ngày càng lớn từ thương mại điện tử. Đồng thời, Giám đốc dịch vụ rủi ro của S&P Global - Jim Elder dự đoán các nhà bán lẻ sẽ không thể phục hồi nhanh chóng.


Căn cứ vào nghiên cứu của S&P về thị trường bán lẻ, Sears Holdings, Bon-Ton Stores và Perfumania Holdings là những doanh nghiệp có khả năng phá sản cao nhất trong năm nay. Trong khi đó, công ty đánh giá tài chính Fitch cho rằng Nine West, Claire’s Stores, Gymboree sẽ gặp nhiều khó khăn trong một báo cáo hồi năm ngoái.


Tại một cuộc họp với các chuyên gia phân tích vào tháng trước, CEO Urban Outfitters - Richard Hayne cho rằng có quá nhiều cửa hàng, đặc biệt là các cửa hàng quần áo. "Điều này tạo ra bong bóng, giống như thị trường bất động sản và bong bóng này đang phồng lên. Chúng tôi thấy kết quả là các cửa hàng phải dừng hoạt động và giá thuê mặt bằng cũng giảm. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong tương lai và còn có thể nhanh hơn nữa", ông nói.


Tính từ đầu năm, 4 hãng bán lẻ quần áo bao gồm The Limited, Wet Seal, BCBG Max Azria và Vanity Shop of Grand Forks đã nộp đơn xin phá sản. Và mới đây nhất là Payless. Hôm 4/4, hãng này thông báo phá sản và sẽ dừng hoạt động 400 cửa hàng.


Một nguồn tin thân cận cho biết Rue 21- hãng thời trang nổi tiếng dành cho thanh, thiếu niên có thể phá sản trong tháng này. Đồng thời, Bloomberg cho biết hãng quần áo trẻ em Gymboree cũng sẽ nộp đơn xin phá sản từ đầu tháng 6 tới.


Theo các số liệu của S&P Global, các cửa hàng bách hoá, đồ điện và quần áo có nguy cơ phá sản cao nhất. Trong khi đó, thực phẩm và trang trí nhà cửa là những mảng kinh doanh bán lẻ ít rủi ro hơn.


Anh Tú (theo Bloomberg)

No comments:

Post a Comment