Luật Điện, Bưu điện và Viễn thông của Tanzania quy định các công ty viễn thông phải IPO và niêm yết 25% cổ phần qua sở giao dịch chứng khoán Dar es Salaam (DSE). Hiện các nhà mạng lớn như Vodacom, Tigo và Airtel ở Tanzania đều đã nộp hồ sơ IPO, trong đó Vodacom đang tiến hành chào bán 25% cổ phần sau khi được cấp phép.
Dự kiến nếu IPO thành công, Halotel sẽ là mạng di động đầu tiên thuộc sở hữu của một doanh nghiệp Việt Nam niêm yết ở nước ngoài.
Trao đổi với cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên của Viettel Global ngày 25/4 vừa qua, ông Lê Đăng Dũng – Phó TGĐ Tập đoàn Viettel kiêm TGĐ của Viettel Global cho biết hiện tại chưa phải là thời điểm chín muồi để Halotel niêm yết, do thị trường chứng khoán Tanzania có quy mô nhỏ (tổng vốn hóa thị trường chỉ xấp xỉ 10 tỷ USD), Halotel lại chỉ mới khai trương dịch vụ được hơn 1 năm (từ tháng 10/2015).
Trả lời câu hỏi của cổ đông về định giá, lãnh đạo Viettel Global cho biết Halotel sẽ tiến hành IPO theo luật định, tuy nhiên công ty chưa đặt kỳ vọng nhiều ở đợt IPO này. Lãnh đạo công ty có gợi ý cho cổ đông để ước tính nhanh giá trị của 1 mạng di động: mỗi thuê bao viễn thông, tùy thuộc ARPU (doanh thu bình quân/thuê bao/tháng) ở từng nước, sẽ có giá trị khoảng 100-150 USD/thuê bao, ví dụ Viettel Global hiện tại có gần 36 triệu thuê bao thì ước tính vốn hóa sẽ khoảng 4 tỷ USD.
Mặc dù là mạng khai trương muộn nhất ở Tanzania nhưng Halotel là mạng đứng số 1 về hạ tầng với 5.500 trạm BTS, 18.000 km cáp quang, vùng phủ đạt 95% dân số, vượt trên cả các nhà mạng cũ đã có gần 20 năm hoạt động. Theo báo cáo thường niên 2016, Halotel có khoảng 4,8 triệu thuê bao chỉ sau hơn 1,5 năm khai trương dịch vụ, một tốc độ phát triển thuê bao kỷ lục.
3 nhà mạng lớn nhất Tanzania là Vodacom, Tigo và Airtel có số thuê bao lần lượt là 12,06 triệu (31% thị phần), 11,6 triệu và 10,3 triệu thuê bao. Trong báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, Halotel đặt mục tiêu chiếm vị trí thứ 3 về thị phần. Dự báo nếu đạt được mục tiêu này, Halotel có thể sẽ đạt điểm hòa vốn trong năm 2017 (việc khai trương dịch vụ của Halotel cuối năm 2015 khiến cho giá vốn của Viettel Global tăng thêm hơn 2.000 tỷ trong năm 2016, là một nguyên nhân khiến kết quả hoạt động 2016 của Viettel Global không được như kỳ vọng, bên cạnh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện do đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ trên báo cáo tài chính).
Đông Giang
Theo Trí thức trẻ
No comments:
Post a Comment