Sau thời gian dài lùm xùm với đối tác là Lotte, hiện cơ cấu cổ đông của Bibica khá cô đặc và cân sức với 44,03% cổ phần từ phía Lotte và 43,73% từ nhóm cổ đông của SSI. Theo ông Trương Phú Chiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần bánh kẹo Bibica, các cổ đông lớn đã có sự đồng thuận trong các quyết định đầu tư để doanh nghiệp phát triển.
Kế hoạch vượt mặt Mondelez
Bibica hiện chiếm khoảng 8% thị phần ngành bánh kẹo, xếp thứ hai, sau gã khổng lồ Mondelez, ông lớn đang sở hữu thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô. Nhưng nếu chỉ tính các thương hiệu bánh kẹo nội địa, hãng này chính là thương hiệu lớn nhất.
“Nhưng Bibica muốn vượt Mondelez để thành người dẫn đầu thị trường đến năm 2020”, ông Chiến tham vọng.
Theo phân tích của ông Chiến, trong ngành bánh kẹo, Mondelez hiện diện trên 160 quốc gia, nhưng tại Việt Nam vẫn là một tân binh. Với một tân binh thì việc xây dựng hệ thống vững chắc hết sức quan trọng. Sau khi nhận chuyển giao từ Kinh Đô, Mondelez cần thời gian để ổn định.
Thị phần bánh kẹo Việt Nam năm 2014. Nguồn: VietinbankSC. Đồ họa: Hiếu Công.
Cũng theo vị này, Bibica có lợi thế hơn về nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng Việt Nam lẫn cung cách bán hàng và hệ thống phân phối. Trong khi đối thủ phải mất thời gian dài để tìm hiểu, thì doanh nghiệp của ông tự tin "đang hòa chung vào nhịp điệu thị trường".
Và trong khi đối thủ chậm lại để bắt nhịp với thị trường, Bibica sẽ tăng tốc, gia tăng năng lực và quy mô để có thể lấy được thị phần. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp đặt chỉ tiêu tăng trưởng mỗi năm trong khoảng 20-25%.
Cùng với việc gia tăng năng lực sản xuất, hãng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống phân phối và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Năm 2016, doanh nghiệp này có 95.000 điểm bán. Mục tiêu năm 2017 nâng lên thành 115.000 điểm bán, đến 2018 sẽ phát triển lên 125.000 điểm.
Đơn vị này cũng đã xuất khẩu ra 21 nước, kể cả thị trường khó tính như Nhật.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết việc gia tăng các nhóm sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và nguồn gốc thiên nhiên là vấn đề cơ bản, quan trọng nhất trong giai đoạn phát triển mới.
“Trong khi thị trường nông thôn vẫn cần những sản phẩm giàu năng lượng, giá bình dân thì người tiêu dùng phân khúc cấp cao lại cần nhiều sản phẩm chú trọng về dinh dưỡng, gần gũi thiên nhiên”, ông Chiến cho hay.
Tuy nhiên, sự phân cấp sản phẩm sẽ biến động theo thời gian với tỷ lệ gia tăng dần những sản phẩm cao cấp và giảm dần tỷ trọng những sản phẩm bình dân.
Vẫn còn tiềm năng
Ngành bánh kẹo Việt Nam hiện có khoảng 30 doanh nghiệp sản xuất quy mô công nghiệp, khoảng 1.000 cơ sở nhỏ và một số công ty nhập khẩu từ nước ngoài.
Khi bỏ “nồi cơm” là mảng bánh kẹo, lãnh đạo Kinh Đô lý giải tăng trưởng của ngành này đã chững lại và không còn hấp dẫn như trước. Nhận định này tương đồng với báo cáo của Công ty chứng khoán VietinbankSC.
Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Bibica. Nguồn: Báo cáo thường niên Bibica.Đồ họa: Hiếu Công.
Theo báo cáo này, tăng trưởng ngành hàng bánh kẹo giai đoạn 2006-2010 là 35%, nhưng giai đoạn 2010-2014 chỉ đạt mức 10%, Dự báo từ 2015-2019 mức tăng trưởng chỉ khoảng 8-9%.
Tuy nhiên, so với mức bình quân của thế giới là 1,5% và của khu vực Đông Nam Á là 3% thì tăng trưởng ngành bánh kẹo tại Việt Nam vẫn cao hơn nhiều, được coi là mảnh đất tiềm năng cho nhiều doanh nghiệp trong và nước ngoài.
Hãng nghiên cứu thị trường BMI dự báo nhu cầu tiêu thụ bánh kẹo của thị trường trong nước đến năm 2018 sẽ đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Hiện tiêu thụ bánh kẹo bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ ở mức 2 kg/người/năm, thấp hơn mức trung bình của thế giới là 2,8 kg/người/năm.
Đặc biệt, tại thị trường nông thôn, tiêu thụ bánh kẹo vẫn còn rất hạn chế nên hứa hẹn sẽ còn nhiều tiềm năng tăng trưởng.
Theo Quy hoạch phát triển ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Công Thương, cơ cấu các nhóm sản phẩm kỹ nghệ thực phẩm theo hướng tăng tỷ trọng các nhóm sản phẩm bánh kẹo.
Cụ thể, đến năm 2020, ngành sản xuất bánh kẹo phấn đấu đạt sản lượng 2.200.000 tấn, chiếm 40,43% trong tổng cơ cấu ngành kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam.
Nói về dự án Bibica miền Bắc tại Hưng Yên, vốn đã “đắp chiếu” từ lâu do không đạt được đồng thuận với đối tác Lotte, ông Chiến cho biết ban lãnh đạo công ty đã quyết định dời dự án này vào miền Nam, do dung lượng thị trường phía Bắc chưa đủ lớn để đầu tư dây chuyền sản xuất.
Doanh nghiệp đồng thời tiếp tục nghiên cứu để tìm ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng phía Bắc trước khi quyết định đầu tư dự án mới.
Theo Hồng Quyên
Zing
No comments:
Post a Comment