Golf đã du nhập vào Việt Nam từ khá lâu, tuy nhiên chỉ thực sự phát triển trong vài năm gần đây, khi mà việc giao thương giữa Việt Nam và các nước trên thế giới ngày càng được mở rộng. Người ta vẫn thường nói cửa miệng với nhau rằng, golf là môn xa xỉ chỉ dành cho các tỷ phú lắm tiền.
Tuy nhiên, với những người đã thực sự chơi và tìm hiểu nghiêm túc về môn thể thao này, thì hoàn toàn không phải như những gì mà mọi người vẫn nghĩ. Ngoài những lợi ích về mặt thể chất và tinh thần không thể bàn cãi mà golf mang lại, thì đây còn là môn thể thao dành cho doanh nghiệp, dành cho sự phát triển kinh doanh và các mối quan hệ mà không một môn thể thao nào mang lại giống vậy.
Nguồn gốc của golf
Không ai biết chính xác cái tên “golf” xuất phát từ đâu bởi vì các trò ném bóng hoặc đánh bóng thì đã có từ lâu trong lịch sử loài người. Người Hà Lan bắt đầu chơi một trò mang tên “kolf” từ thế kỷ 14. Trò này là đánh một quả bóng vào một cái cọc cắm dưới đất.
Tại Pháp, trò chơi này có tên gọi là jeu de mail, quả bóng được đánh vào vòng sắt bằng cách dùng một cái búa. Tại Anh, trò này được gọi là palle maille, sau này một con đường tại London đã được đặt tên theo môn thể thao này.
Tuy nhiên, Scotland mới chính là “quê hương” của môn thể thao quý tộc này. Từ thế kỷ 15, các thương gia Scotland mang theo những trái bóng “kolf” của người Hà Lan từ nhà đến St Andrews; sau đó họ sẽ đặt mục tiêu cho bản thân bằng cách đánh quả bóng vào một cái lỗ dưới đất.
Golf từng bị cấm để khuyến khích… bắn cung
Khi mới được giới thiệu năm 1457, golf được coi là môn thể thao bất hợp pháp. Vua James II của Scotland cấm chơi golf và đá bóng. Thay vào đó, ông khuyến khích người dân dành thời gian để thực hành bắn cung bởi vì điều này mới thực sự hữu ích cho đất nước.
Lệnh cấm này được thực hiện chính thức vào năm 1471 bởi vua James III, sau đó là vua James IV năm 1491. Tuy nhiên, sự ghét bỏ của hoàng gia Scotland với môn thể thao này cũng dần bị lu mờ. Nữ golf thủ đầu tiên của thế giới là Mary Queen, người Scotland.
Quy tắc chơi
Quy tắc lâu đời nhất của golf được viết năm 1744 bởi Câu lạc bộ golf Edinburgh. Theo quy tắc này, những người chơi sẽ phải đánh golf trong vòng độ dài của hố golf. Sau đó, câu lạc bộ golf Richmond tiếp tục soạn thảo các quy định thay thế trong thế chiến thứ II để người chơi biết được những việc phải làm nếu bị thua giữa trận đấu.
Nhiệm vụ của người chơi sẽ bao gồm sưu tập bất cứ mảnh vụn nào vì chúng có thể làm hỏng máy cắt cỏ và được phép che chắn trong thời gian chuẩn bị hoặc ném bóng và thay thế một quả bóng bị ném sai vị trí bởi hành động của đối thủ mà không bị phạt.
Bóng golf
Những quả bóng golf đầu tiên được sử dụng làm từ lông. Chúng được nhồi lông thông qua một thanh sắt và một nhà sản xuất thời đó chỉ có thể làm ra 50-60 quả bóng golf một tuần.
Vào năm 1840, bóng golf bắt đầu được làm từ gutta percha (một dạng cao su tự nhiên). Chúng rẻ và bền hơn so với bóng golf bằng lông nhưng lại làm cho gậy golf trở nên nặng hơn và làm hỏng sân cỏ.
Môn thể thao quý tộc dành cho người giàu
Ngày nay, golf đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và thường được giới siêu giàu chọn làm thú tiêu khiển. Thậm chí trong việc làm ăn, người ta cũng thấy các doanh nhân giàu có đưa đối tác đến sân golf bàn công chuyện.
Vài thế kỷ trước, khi golf bắt đầu phổ biến, các doanh nhân cùng một số người thuộc tầng lớp trung lưu nảy ra ý tưởng đến vùng ngoại ô rộng rãi để xây dựng một địa điểm chơi golf chuyên biệt dành riêng cho họ và những người “cùng đẳng cấp”. Ở các nơi khác, người ta vẫn tiếp tục chơi golf như cũ. Tuy nhiên, phiên bản golf của câu lạc bộ với hội phí đắt đỏ, luật chơi rõ ràng, dụng cụ và sân tiêu chuẩn dần dần áp đảo.
Bên cạnh hiện tượng câu lạc bộ, có một giả thiết khác cho rằng hệ thống điểm chấp (điểm chấp được giao tùy vào khả năng và thành tích của người chơi) khiến môn thể thao này đặc biệt hấp dẫn với các doanh nhân.
Điểm được điều chỉnh dựa trên kỹ năng của người chơi trở nên thông dụng khi Câu lạc bộ Golf Royal Wimbledon đề ra các quy tắc áp dụng vào năm 1898. Nhờ đó, những người chơi có kỹ năng, trình độ và thể chất không tương đương có thể cùng tham gia thi đấu. Thậm chí người chơi kém cũng có thể thắng nếu thể hiện tốt. Có lẽ các doanh nhân cảm thấy tính chất hào hiệp và bình đẳng này của golf sẽ giúp họ đạt được thỏa thuận với đối tác dễ dàng hơn.
Ngoài những điều trên, golf còn thu hút người chơi nhờ tính an toàn, ít gây chấn thương, khu vực sân chơi cực rộng với cảnh quan thiên nhiên đẹp và luật chơi độc đáo, khó dự đoán kết quả. Vì vậy, dù mang tiếng “quý tộc” nhưng đây vẫn là bộ môn được nhiều người yêu thích và đánh giá cao.
Trịnh Thơm
Theo Trí thức trẻ/Telegraph
No comments:
Post a Comment