Các nhà khoa học cho rằng mỗi đứa trẻ sinh ra như một tờ giấy trắng, sự phát triển của chúng phụ thuộc rất lớn từ môi trường xung quanh, nhất là cha mẹ. Thế nhưng, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn được lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình.
Bằng chứng là trên thế giới, có rất nhiều câu chuyện những đứa trẻ được nuôi dưỡng bởi các loài động vật từ lành đến dữ như chó sói, khỉ, chó, linh dương, chim chóc, gấu… Từ đó, chúng hình thành những tập tính sinh hoạt của động vật và gặp rất nhiều khó khăn để tái hòa nhập cộng đồng.
Sau đây là 5 câu chuyện tiêu biểu của những “đứa trẻ rừng xanh” ngoài đời thực trong số hơn 100 đứa trẻ từng trải qua cuộc sống với động vật.
Oxana Malaya
Năm lên 3, cha mẹ nát rượu bỏ rơi Oxana và không mảy may tìm . Khi đó, đứa bé theo bản năng con người bò xung quanh tìm kiếm hơi ấm và cuối cùng lạc vào căn nhà cũ nát toàn chó hoang. Mãi cho đến năm 1991, cuộc sống bên bầy chó hoang của Oxana mới chấm dứt khi dân quanh vùng báo cảnh sát về một đứa trẻ sống cùng bầy thú. Cô bé khi đó 8 tuổi nhưng trông chẳng khác gì loài động vật 4 chân: không nói, không giao tiếp, chỉ tru lên những tiếng sủa hoang dại.
(Ảnh: Internet)
Hiện tại, Oxana đã 34 tuổi và đang sinh sống tại trung tâm khuyết tật tâm thần. Tại đây, cô được người ta dạy cách đi thẳng lưng, ăn bằng 2 tay và quan trọng nhất là học cách nói. Thế nhưng, ngôn ngữ của cô cũng rất khác người. Trong cách nói của Oxana không có ngữ điệu, không sắc thái tình cảm, lúc nào cũng đều đều và vô hồn.
Theo các chuyên gia ngôn ngữ, nếu 1 đứa trẻ đến 5 tuổi mà vẫn không biết nói thì não bộ nghiễm nhiên sẽ lãng quên chức năng này, đứa trẻ có thể đánh mất khả năng nói vĩnh viễn. Sở dĩ Oxana có thể học nói lại vài câu đơn giản vì trước khi bị bỏ rơi, cô bé đã ít nhiều đã giao tiếp bằng ngôn ngữ con người.
(Ảnh: Internet)
Biết được câu chuyện của “cô bé chó hoang”, nhà tâm lý học người Anh chuyên nghiên cứu về những đứa trẻ hoang dại, Lyn Fry, quyết định bay đến ngôi làng hẻo lánh ở Ukraine để gặp gỡ cô bé được bầy chó nuôi lớn. Một loạt các bài kiểm tra cho thấy khả năng tư duy của Oxana chỉ bằng 1 đứa bé 6 tuổi. Oxana còn có đặc điểm nổi trội là khiếu hài hước. Cô bé thích là trung tâm của sự chú ý, thích làm cho người khác cười.
Marcos Rodriguez Pantoja
Khi còn nhỏ, cha đẻ của Marcos vì hoàn cảnh nghèo túng đã bán con trai cho người chủ đất giàu có. Người này sau đó giao cậu bé lại cho lão già chăn dê già ở dãy núi Sierra Morena. Tại đây, Marcos được dạy những kỹ năng bảo vệ bản thân, đối mặt với và cả cách săn bắt thú rừng. Người chăn dê sau đó qua đời, Marcos quyết định ở lại dãy núi sinh sống nhờ chút kiến thức được truyền dạy.
(Ảnh: Internet)
Marcos cắt đứt liên lạc với thế giới bên ngoài, bắt đầu hòa nhập với bầy sói sau một lần chơi đùa cùng các chú sói con và theo chúng về hang động. Nhận được sự cho phép của sói mẹ, Marcos chính thức trở thành thành viên của bầy, cùng chúng đi săn và hình thành tập tính ăn uống như loài vật này. Từ đó, cậu bé ngừng nói tiếng người và chuyển sang những âm thanh động vật cùng tiếng gào rú đặc trưng của sói.
Cuộc sống hoang dã của Marcos cứ thế trôi qua cho đến 12 năm sau, cậu được lực lượng Guardia Civil tìm thấy và bị ép trở về cuộc sống con người. Quá trình ấy không hề dễ dàng bởi cho đến tận ngày hôm nay, Marco vẫn có thể bắt chước âm thanh của các con vật như chó sói, đại bàng, nai… Rất nhiều người sau khi nghe câu chuyện trên vẫn không tin cậu bé tí tuổi đầu có thể trải qua 12 năm sống hòa bình cùng bầy sói cho đến khi Entre Lobos, bộ phim tường thuật lại chi tiết cuộc đời Marcos, ra đời và đập tan mọi sự nghi ngờ.
(Ảnh: Internet)
Dù đã trở lại thế giới loài người vài chục năm nhưng Marcos vẫn không thể hoàn toàn hòa nhập. Anh cho rằng cuộc sống hiện tại quá khó khăn nếu không có tiền, khác hẳn quy luật muốn ăn được ăn, muốn uống được uống nơi hoang dã. Marcos băn khoăn vì sao sau khi bắt rời khỏi đời sống hoang dã, Chính phủ lại không thể cho anh một cuộc sống ổn định trong xã hội.
Vanya Yudin
Hai mẹ con Vanya sống trong căn hộ nhỏ um tùm, hoang vắng và xa dân cư nên chưa bao giờ có người mò đến. Mẹ cậu bé là người yêu chim chóc nhưng bà lại chẳng dành tình thương cho con trai của mình. Từ khi còn chưa biết đi, Vanya đã bị mẹ nhốt vào một căn phòng được bà trưng dụng nuôi hàng trăm con chim cùng hai chiếc giường ngủ lớn. Trong mắt mẹ, Vanya chẳng khác gì một chú chim. Bà không bao giờ nói chuyện với con và chỉ cho con ăn khi đến giờ chim ăn. Khi đó, ở bên cạnh Vanya không có ai bầu bạn ngoài những chú chim.
(Ảnh: Internet)
Năm lên 7, Vanya được các nhân viên y tế Nga phát hiện và cứu sống. Người mẹ tắc trách bỏ rơi con sau đó đã phải ký mẫu đơn từ bỏ trách nhiệm đối với cậu bé. Nhiều năm sống cùng loài lông vũ, Vanya mất đi khả năng giao tiếp, không nói được từ gì ngoài những tiếng chiêm chiếp như tiếng chim kêu. Cậu bé đôi khi còn vẫy hai cánh tay hệt như động tác chim vỗ cánh. Sau khi được gửi đến trung tâm điều trị tâm lý, trình trạng của Vanya đã khá hơn và bắt đầu hòa nhập với thế giới con người.
John Ssebunya
Năm 1988 tai Uganda, sau khi chứng kiến cảnh cha nhẫn tâm giết chết mẹ của mình, John chịu khủng hoảng tinh thần rất lớn và bỏ trốn khỏi nhà. Cậu bé 2 tuổi đã chạy trốn vào rừng sâu trước khi được một bầy khỉ nuôi dưỡng và dạy John những kĩ năng tồn tại trong môi trường hoang dã. Qua lời kể của các nhà tài liệu học, bầy khỉ đã ném đá và gậy vào người dân khi họ cố gắng mang John đi như thể bảo vệ “đứa con” của chúng.
(Ảnh: Internet)
Bộ dạng đáng sợ của John khi vừa được mọi người phát hiện
John sau đó được đưa về làng. Các tài liệu lịch sử mô tả rằng, cậu bé khi đó có đầu gối trắng, trơn nhẵn vì di chuyển bằng cách bò giống như động vật, trong khi các móng tay rất dài và cuộn thành vòng tròn. John còn bị suy dinh dưỡng nặng, mọc lông khắp người và cơ thể có nguy cơ bị mắc bệnh.
Hình ảnh hiện tại của John (Ảnh: Internet)
Thật may mắn, số phận đã mỉm cười với John. Cậu bé “người khỉ” có thể học nói tiếng người khá tốt. Cậu thậm chí còn kể lại được phần đời mình sống trong rừng, được lũ khỉ nuôi nấng, dạy cách leo trèo, tìm kiếm thức ăn. Cuối cùng, John được một gia đình người Anh nhận nuôi và chuyển tới Anh năm 21 tuổi.
Marina Chapman
Sinh ra trong một ngôi làng ở vùng xa xôi của Nam Mỹ, Marina Chapman đã bị bắt cóc vào năm 1954 khi vừa được 5 tuổi. Sau đó, em lại bị bỏ rơi ở trong khu rừng già Colombia. Suốt 5 năm, cô bé sống với một gia đình khỉ, trước khi được một nhóm thợ săn phát hiện. Marina sống nhờ ăn hoa quả, chuối và rễ cây do lũ khỉ thả rơi, ngủ trong những cái lỗ trên cây và cũng biết chuyền cành bằng cả 4 chi như gia đình khỉ đã nuôi dưỡng mình.
(Ảnh: Internet)
Ngay cả khi đã sống quen với môi trường rừng rậm, Marina vẫn luôn khao khát được tìm thấy và tiếp xúc với đồng loại. Một lần, em mạnh dạn tiến lại gần một nhóm thợ săn trong tư thế đi bằng bốn chân và cầu xin sự giúp đỡ. Quá trình tái hòa nhập với xã hội loài người gian nan của cô bé bắt đầu từ đó.
Dù lớn tuổi, Marina vẫn có thể nhanh nhẹn đu lên cây (Ảnh: Internet)
May mắn thay, Marina đã vượt qua tất cả và hiện đang sống cùng chồng và con cháu tại Yorkshire, Anh. Giờ đây, cô không muốn nhắc đến những chuyện đã qua nhưng con gái lại quyết định chia sẻ quá khứ của mẹ mình thông qua quyển hồi ký bán chạy nhất trên mạng có tựa đề “Cô gái không tên: Câu chuyện thật đáng kinh ngạc của đứa trẻ được bầy khỉ nuôi lớn”.
(Nguồn: providr)
No comments:
Post a Comment