Cả Bánh kẹo Hải Hà và Bánh kẹo Hữu Nghị vừa đón nhận thêm 1 cổ đông lớn mới, đều là các cá nhân, và cổ phiếu đã khớp lệnh gần 13 triệu cổ từ ngày Vinataba đăng ký thoái vốn.
Nhìn khoản đầu tư của Vinataba tại Bánh kẹo Hải Hà
Sau 13 năm kiên trì gắn bó sau khi nhận “ủy thác” từ Bộ Công Thương, giữa tháng 3 vừa qua Vinataba bất ngờ đăng ký bán toán bộ gần 8,4 triệu cổ phiếu HHC ương ứng 51% vốn điều lệ của Haihaco. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 17/3 đến 14/4/2017.
Ngay khi có thông tin cổ đông lớn thoái vốn, ngay phiên ngày 17/3, cổ phiếu HHC đã đột ngột tăng trần với gần 4,17 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong 1 phiên trong khi trước đó chỉ khớp lệnh vài trăm đến mấy trăm nghìn cổ phiếu.
Trong số hơn 4,1 triệu cổ phiếu HHC khớp lệnh ngày 17/3, đã có 3,9 triệu cổ phiếu do một cá nhân – ông Vũ Hải – mua vào. Số cổ phần này tương ứng 23,74% vốn điều lệ của Haihaco. Ông Vũ Hải trở thành cổ đông lớn mới của Bánh kẹo Hải Hà. Trước khi thực hiện giao dịch này ông Vũ Hải không sở hữu cổ phiếu HHC nào.
Giá mua vào không được tiết lộ, nhưng tạm tính với khớp lệnh bình quân ngày 17/3 thì cá nhân ông Hải đã bỏ ra hơn 155 tỷ đồng để thực hiện thương vụ này.
Diễn biến giá cổ phiếu HHC trong 1 tuần, bắt đầu từ phiên Vinataba đăng ký bán.
Đáng chú ý, cổ phiếu HHC đã tăng trần 4 phiên liên tiếp từ phiên Vinataba bắt đầu thoái vốn, trong đó phiên tăng trần cuối cùng trong chuỗi tăng giá của HHC này 22/3, có đến hơn 8,44 triệu cổ phiếu đã được khớp lệnh. Giá cổ phiếu HHC tăng vọt lên 52.800 đồng/cổ phiếu, trong khi giá khớp lệnh bình quân trong phiên trên 48.360 đồng/cổ phiếu. Đến lúc này, các nhà đầu tư đều tin rằng, Vinataba đã thoái xong vốn.
Ngay sau đó, cổ phiếu HHC đột ngột giảm sàn.
Việc dự đoán Vinataba đã thoái xong vốn tại Haihaco và cổ phiếu HHC giảm sàn còn có thể hiểu được là game thoái vốn đã xong, HHC lại trở lại bản chất vốn có lâu nay. Trước đó, điểm hấp dẫn nhất của Bánh Kẹo Hải Hà có lẽ là khu “đất vàng” 25-27 Trương Định – Hà Nội.
Tuy nhiên, cho đến nay, khu đất này vẫn gặp vướng mắc thủ tục và chủ trương liên quan. Các đối tác đầu tư lần lượt phải rút lui, và đến nay, khu đất này vẫn đang nằm trong kế hoạch của Haihaco.
Game thoái vốn của Vinataba tại Thực phẩm Hữu Nghị chưa được hoàn hảo?
Khác với Bánh Kẹo Hải Hà, Thực phẩm Hữu Nghị trở thành thành viên của Vinataba từ tháng 3/2011. Sau 6 năm gắn bó, Vinataba cũng đã bất ngờ quyết định bán toàn bộ 10,35 triệu cổ phiếu chỉ 1 ngày sau quyết định thoái vốn tại Haihaco. Giao dịch cũng bắt đầu thực hiện từ 17/3.
Diễn biến giao dịch cổ phiếu HNF trong tuần đầu Vinataba đăng ký thoái vốn.
Cũng như HHC, ngay khi có tin Vinataba thoái vốn, cổ phiếu HNF đã tăng trần 2 phiên liên tiếp. Tuy nhiên, phiên ngày sau đó chỉ tăng những phút đầu, sau đó giảm sàn và hiện kéo cổ phiếu này về mức giá 27.300 đồng/cổ phiếu, giảm sâu hơn cả giá trước ngày Vinataba thoái vốn rất nhiều.
Kết quả thoái vốn của Vinataba tại Thực phẩm Hữu Nghị chưa rõ ràng khi tổng lượng cổ phiếu khớp lệnh trên sàn trong tuần qua chưa bằng lượng cổ phiếu mà Vinataba đăng ký bán. Nhưng đáng chú ý, phiên ngày 21/3, tranh thủ đầu phiên khi cổ phiếu HNF đang đà tăng, đã có khoảng 6 triệu cổ phiếu HNF khớp lệnh, với giá bình quân trên 44.000 đồng/cổ phiếu.
Cũng trong ngày 21/3, một cá nhân, ông Nguyễn Văn Dũng, đã mua được 4 triệu cổ phiếu HNF, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên hơn 4 triệu cổ phiếu tương ứng 20,14% vốn điều lệ của Thực phẩm Hữu Nghị và trở thành một cổ đông lớn mới.
Game thoái vốn của Vinataba tại Thực phẩm Hữu Nghị có vẻ chưa hoàn hảo khi lượng cổ phiếu khớp lệnh trên sàn từ ngày 17/3 đến nay chưa đủ lượng cổ phiếu HNF mà Vinataba đăng ký bán. Với đà giảm sâu hiện tại, khả năng Vinataba cũng sẽ không bán số cổ phần còn lại nếu chưa đạt được giá như kỳ vọng. Tuy nhiên, điều này vẫn chỉ là dự đoán khi mà thời gian đăng ký giao dịch vẫn chưa kết thúc.
Việc thoái vốn tại 2 công ty bánh kẹo giúp công ty thuốc lá thu về khoản tiền trên 600 tỷ đồng.
Thạch Lâm
Theo Trí thức trẻ
No comments:
Post a Comment